Đau dạ dày khi mang thai: Mẹ bầu cần xử trí như thế nào?
Có lẽ đối với tất cả bà bầu, trường hợp bị đau dạ dày khi mang thai hay những căn bệnh khác phát sinh trong giai đoạn thai kỳ đều khiến cho họ lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì lo sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy các bà bầu nên xử trí thế nào với trường hợp bị đau dạ dày khi mang thai? Bởi đau dạ dày khi mang thai ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Nội dung chính
Biểu hiện của bệnh đau dạ dày khi mang thai
Có một vấn đề cần phải thật sự quan tâm ở đây, đó là những biểu hiện của đau dạ dày khi mang thai khá giống với những triệu chứng thai nghén thông thường ở những tháng đầu của thai kỳ. Ví dụ như bà bầu có cảm giác đau bụng, bụng khó tiêu, căng bụng, chán ăn, ợ hơi ợ chua, buồn nôn và nôn…
Để biết bà bầu có đau dạ dày hay không cần phải kiểm tra thai kỳ thường xuyên. Đặc biệt, ngoài những biểu hiện kể trên, nếu bà bầu cảm thấy đau bụng, xót bụng khi ăn những loại quả có vị chua như xoài, cóc, quýt, me… thì có khả năng bà bầu đã mắc phải bệnh dạ dày, cần phải đi khám ngay.
Ảnh hưởng của việc đau dạ dày khi mang thai
Cùng với những áp lực về mặt tâm lý và sinh lý thay đổi khi có bầu, việc bị đau dạ dày khi mang thai khiến cho bà bầu luôn trong cảm giác lo lắng. Nếu không giải quyết được vấn đề tinh thần, bà bầu sẽ gặp rắc rối với những căn bệnh kéo theo như trầm cảm, stress, suy nhược cơ thể… ảnh hưởng đến sự an toàn và sự phát triển của thai nhi.
Cùng với đó, đau dạ dày khi mang thai sẽ khiến bà bầu mệt mỏi hơn với những triệu chứng đau bụng, khó tiêu, buồn nôn thường xuyên… Từ đó, bà bầu có cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng. Cơ thể và thai nhi không hấp thụ đủ dinh dưỡng sẽ dẫn đến việc mẹ yếu, con dễ sinh non, thai nhi bị suy dinh dưỡng trong bào thai…
Cách xử trí đau dạ dày khi mang thai
Khám bác sĩ:
Bệnh đau dạ dày không chữa trị được tận gốc nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng bệnh và cải thiện nó theo chiều hướng tích cực. Nếu bị đau dạ dày khi mang thai, các bà bầu không nên quá lo lắng, ảnh hưởng đến tinh thần. Cần bình tĩnh và đến ngay các cơ sở bệnh viện chuyên khoa sản để được khám xét kịp thời. Các bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị đau dạ dày hiệu quả, an toàn cho cả mẹ và bé.
Giữ tinh thần và nghỉ ngơi hợp lý:
Tinh thần nhiều khi chiến thắng mọi bệnh tật! Hãy để tinh thần thoải mái, giảm nhẹ và đẩy lùi các cơn đau. Cần sắp xếp lại công việc, sinh hoạt và có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Chế độ ăn uống khoa học:
Bà bầu bị đau dạ dày khi mang thai cần tuân thủ chế độ ăn và cách ăn khoa học như chia nhỏ bữa ăn, không ăn quá no, không ăn quá nhanh. Cần nhai chậm, nhai kỹ và nghỉ ngơi sau khi ăn.
Đau dạ dày khi mang thai nên sử dụng những loại thực phẩm như nếp, bột gạo, ngũ cốc, khoai tây, trứng, sữa, bánh mì… Cần tránh xa các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều chất đạm và chất xơ, đồ uống có cồn, kích thích, đồ ăn chiên dầu mỡ, đồ tái chín, đồ ăn quá lạnh hoặc quá nóng…
Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng:
Bà bầu nên tham khảo các bài tập dành cho phụ nữ khi mang thai để giữ cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, đẩy lùi bệnh tật.