Đại tiện ra máu – triệu chứng chớ nên coi thường
Khi có triệu chứng đại tiện ra máu, nhiều người chỉ nghĩ rằng nóng trong người và chủ quan không để tâm đến. Tuy nhiên, đó có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh nguy hiểm liên quan đến tiêu hóa và hậu môn không thể xem nhẹ.
Nội dung chính
Triệu chứng đại tiện ra máu
Đại tiện ra máu là hiện tượng hậu môn chảy máu sau phân hoặc trong phân có lẫn máu, thường gặp ở đoạn dưới đường tiêu hóa (chảy máu kết tràng và trực tràng), cũng có thể ở đoạn trên đường tiêu hóa. Máu khi đại tiện có thể đỏ tươi, đỏ thẫm hoặc đen tùy vào bộ phận mắc bệnh bị chảy máu, lượng máu và thời gian máu đọng.
Đại tiện ra máu có thể không kèm theo triệu chứng nào khác và nhiều người chủ quan cho rằng chỉ là “nóng trong” thông thường. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có thể bị đau bụng, nôn mửa, khó thở, tiêu chảy, đánh trống ngực, ngất xỉu hoặc giảm cân, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của sự chảy máu.
Đại tiện ra máu là triệu chứng của bệnh gì?
+ Bệnh trĩ
Hầu như loại bệnh trĩ ngoại hay nội đều có triệu chứng đại tiện ra máu. Tùy theo mức độ mà máu chảy từng giọt hay phun thành tia khi vệ sinh, nếu nặng hơn nữa thì chỉ cần người bệnh ngồi xổm là máu cũng chảy ra từ hậu môn.
Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ là do tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn bị giãn quá mức dẫn đến tình trạng nứt, chảy máu. Đây bệnh lý phổ biến của người Việt Nam hiện nay. Bệnh trĩ tuy không phải là hiểm nghèo nhưng gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt và nếu để kéo dài sẽ khiến cơ vòng hậu môn không thể co thắt, hậu quả cuối cùng là đại tiện mất kiểm soát.
+ Polyp trực tràng, đại tràng
Người bệnh có triệu chứng đi ngoài ra máu tươi, nếu polyp nằm gần hậu môn thì có thể nhận biết bằng mắt khi nó sa ra ngoài. Còn nằm sâu bên trong chỉ có thể chẩn đoán được nếu nội soi.
+ Viêm loét đại tràng
Người bệnh đại tiện nhiều lần trong ngày, kèm theo phân là máu tươi hoặc đỏ thẫm và dịch nhầy. Ngoài ra bệnh nhân sẽ cảm thấy đau dữ dội vùng bụng dưới và có thể sốt liên tục không dứt.
+ Ung thư trực tràng, đại tràng
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là người bệnh sụt cân mất kiểm soát. Đại tiện ra máu tươi hoặc lẫn trong phân. Đại tiện nhiều lần và thường là tiêu chảy. Nội soi trực tràng, đại tràng sẽ thấy khối u và nếu giai đoạn cuối thì hậu môn trực tràng sa xuống.
+ Xuất huyết đường tiêu hóa
Nguyên nhân gây ra bệnh này là do nhiễm trùng đường tiêu hóa. Bệnh có thể dẫn đến tình trạng đi ngoài ra máu và phân có mùi đặc trưng khác hẳn với thông thường
Đó là những căn bệnh phổ biến có triệu chứng đại tiện ra máu mà cần lưu ý để phân biệt rõ ràng. Ngay khi có dấu hiệu này thì người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp. Đại tiện ra máu không hề đơn thuần là nóng trong người như nhiều nghĩ đã nghĩ.
Phòng tránh đại tiện ra máu bằng cách nào?
Để có thể phòng tránh các bệnh gây ra triệu chứng đi ngoài ra máu bạn nên nắm rõ một số điều dưới đây:
+ Có chế độ ăn khoa học: Ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, bổ sung thêm chất xơ có trong rau, củ, quả. Uống đầy đủ nước theo khuyến cáo là 2,5l mỗi ngày.
+ Giữ vệ sinh hậu môn: Mỗi lần sau khi đi đại tiện thì cần rửa bằng nước sạch, rồi dùng giấy mềm lau khô để tránh hậu môn bị viêm nhiễm.
+ Tăng cường vận động: Bạn nên dành nhiều thời gian cho việc rèn luyện thể thao để cơ thể cơ sức khỏe tốt, hoạt động tiêu hóa của đường ruột ổn định.
+ Chế độ sinh hoạt lành mạnh: Đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc. Vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ 30 phút thì hãy pha một cốc sữa ấm và uống để cơ thể dễ dàng tống khứ chất cặn bã ra ngoài vào lần đại tiện sáng hôm sau.
Đại tiện ra máu là dấu hiệu nghiêm trọng không thể tự chữa tại nhà, bệnh nhân nên đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân và áp dụng cách chữa theo phác đồ của bác sỹ chuyên khoa.