Táo bón ở trẻ sơ sinh cần nhận biết đúng

Táo bón không phải là vấn đề hiếm gặp ở trẻ sơ sinh tuy nhiên có đến 90% các mẹ nhầm lẫn giữa những biểu hiện sinh lý bình thường với dấu hiệu táo bón ở trẻ sơ sinh. Vậy làm sao để mẹ biết chính xác trẻ sơ sinh bị táo bón?

Nguyên nhân và biểu hiện táo bón ở trẻ sơ sinh

Theo các chuyên gia tiêu hóa một số cha mẹ chỉ cần thấy trẻ giảm số lần đại tiện so những ngày trước đó là tự chẩn đoán trẻ bị táo bón. Tuy nhiên việc tự chẩn đoán rất dễ nhầm lẫn. Vậy thế nào được coi là trẻ táo bón?

+ Trẻ từ 1 đến 3 tháng tuổi

Độ tuổi này nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ ít gặp táo bón hơn so với những trẻ uống sữa ngoài. Biểu hiện trẻ bị táo bón có thể 3-4 ngày mới đi đại tiện một lần, phân không xốp mà keo lại, dẻo như đất sét, ít khi rắn. Bé thường khó chịu nên hay quấy khóc, không chịu bú, ngủ không ngon, hay giật mình tỉnh giấc, bụng có cảm giác hơi phình, mỗi lần trẻ muốn đại tiện thì la khóc, oằn mình, không chịu nằm yên.

Nguyên nhân táo bón ở trẻ sơ sinh 1- 3 tháng tuổi có thể do mẹ cho trẻ bú chưa đủ nên phân tạo thành ít hoặc mẹ ăn nhiều đồ cay nóng như mật ong, nghệ, thức ăn nhiều gia vị… qua đường sữa cho trẻ bú có thể làm trẻ bị nóng.

Ngoài ra mẹ bị táo bón sau sinh thì con cũng có thể bị táo hoặc do mẹ không đủ sữa, trẻ phải uống thêm sữa ngoài.

Táo bón ở trẻ sơ sinh

Táo bón ở trẻ sơ sinh không hiếm gặp

+ Trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi

Giống như giai đoạn trước, tuy nhiên độ tuổi này trẻ thường uống nhiều sữa ngoài hơn, có thể kết hợp ăn thêm bột dinh dưỡng. Ngoài đại tiện giảm có thể xuất hiện tình trạng phân nhỏ và hơi cứng, trẻ đại tiện phải rặn nhiều, mặt đỏ bừng khó chịu.

Ngoài những nguyên nhân như trẻ 1-3 tháng tuổi, nhiều trẻ đi tiêm phòng có thể bị sốt dẫn đến mất nước hay bị ho, bị cảm phải uống kháng sinh nên bị táo bón.

+ Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi

Đây là độ tuổi thường bị táo bón nhất ở trẻ do bé bắt đầu ăn dặm. Mức độ biểu hiện táo bón rõ rệt hơn, đầu phân cứng hoặc tròn nhỏ như phân dê, đại tiện khó, trẻ rặn nhiều có thể đau rát hoặc bị chảy máu do tổn thương vùng niêm mạc hậu môn, bụng trẻ căng đầy, nắn bụng trẻ thấy cứng rắn như có phân bên trong.

Ngoài nguyên nhân như ở trên thì có thêm vấn đề mất nước ở những trẻ ham hoạt động, thích lật mình hoặc muốn tập đi, tập bò. Đặc biệt chế độ ăn dặm của trẻ thiếu chất xơ từ rau củ quả tươi là một nguyên nhân điển hình gây nên tình trạng táo bón.

Giải pháp chữa táo bón cho trẻ sơ sinh

+ Điều chỉnh từ mẹ

Nếu mẹ gặp tính trạng táo bón cần điều chỉnh bằng tăng cường uống nước, ăn nhiều rau xanh và các thứ có tác dụng nhuận tràng như khoai lang, mùng tơi, mang tây, hạn chế tối đa các thực phẩm cay nóng, tăng cường cho bé bú giúp lượng phân tạo thành lớn hơn, bé sẽ đại tiện dễ dàng hơn.

+ “Xi” cho bé đại tiện

Mẹ đừng lo trẻ không biết gì, nên xi cho trẻ vào buổi sáng sau khi trẻ ăn xong một lúc. Việc mẹ xi sẽ giúp bé dần hình thành phản xạ muốn đi đại tiện và đúng giờ đấy mẹ xi bé sẽ có thể đại tiện được.

Mát xa bụng trẻ

Mát xa nhẹ nhàng giúp kích thích bài tiết

+ Mát xa bụng cho bé

Đặt lòng bàn tay vào bụng của bé, xoa nhẹ nhàng ngược chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài. Mỗi lần xoa cho bé khoảng 10 – 15 phút, nên kết hợp với lúc xi bé đại tiện, không xoa lúc bé ăn no.

+ Bài tập “đạp xe”

Cho bé nằm ngửa, cầm hai chân của bé và di chuyển lên xuống như động tác đạp xe, nên thực hiện 10-15 phút sau khi bé ăn ít nhất 30 phút.

+ Cho bé tắm nước ấm

Có thể để bé thư giãn trong bồn-chậu một chút để phân di chuyển dễ dàng hơn, đồng thời mẹ cũng có thể xoa nhẹ vùng bụng cho bé.

+ Xem lại sữa trẻ đang sử dụng

Mẹ có thể thay thế loại sữa khác có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và phù hợp với trẻ hơn giúp trẻ hạn chế táo bón do sữa.

+ Tăng cường chất xơ

Chất xơ có nhiều trong các loại rau củ quả như khoai lang, mồng tơi, rau diếp xoăn, măng tây, quả lê, mận… mẹ có thể chế biến đa dạng cho trẻ ăn trong giai đoạn ăn dặm, ăn thô.

+ Bổ sung lợi khuẩn đường ruột

Sữa chua và các sản phẩm men vi sinh chứa nhiều lợi khuẩn giúp tăng cường tiêu hóa mẹ có thể tham khảo để bổ sung cho trẻ.

Khi xác định tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh, cha mẹ không nên lo lắng mà cần bình tĩnh để có những biện pháp phù hợp, không nên vội vàng đã thụt tháo cho trẻ vì nếu quá lạm dụng sẽ làm trẻ quen và không tự đi, thậm chí có thể gây tổn thương hậu môn của trẻ nếu thụt không đúng cách.

Rate this post
1800 1125